K/G: Sở Thông tin truyền thông Tây Ninh
Đối với các Cá nhân, Doanh nghiệp sử dụng hình ảnh nhà, địa chỉ nhà của người dân một cách bất hợp pháp để quảng cáo kinh doanh trên các trang mạng mà trên thực tế thì họ hoàn toàn không tồn tại ở những địa điểm này. Mục đích của họ là trục lợi từ đất đai-nhà cửa của người dân, dối gạt khách hàng trong nước và quốc tế. Những đối tượng này đã và đang làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân lương thiện và làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt, uy tín và sự phát triển kinh tế của Tỉnh Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Như vậy, theo quy định pháp luật, cho tôi được hỏi:
1/ Sở TT-TT Tây Ninh sẽ có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng "Quảng cáo MA" nói trên?
2/ Những căn cứ pháp lý nào để chế tài những đối tượng "Quảng cáo kinh doanh Bất hợp pháp- Gỉa mạo này?
Trân trọng!
Lê Thị Hoàng Anh
Trả lời:
Sở Thông tin và Truyền thông xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Các quy định của pháp luật về quảng cáo và thông tin trên mạng (Internet):
- Luật Quảng Cáo (số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012);
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;
- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Cụ thể:
- Tại điều 8 của Luật Quảng cáo quy định một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
Cấm “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”
- Tại điều 20 của Luật Quảng cáo quy định một trong các điều kiện quảng cáo như sau:
“Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản”
- Tại điều 12 của Luật Quảng cáo quy định nghĩa vụ của người quảng cáo như sau:
“Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện”
- Tại Khoản 1, Điều 21 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định: “Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản và quảng cáo”.
2. Về chế tài, xử lý vi phạm đối với các đối tượng quảng cáo nhà cửa, đất trên mạng giả mạo, sai sự thật hoặc lừa dối
- Xử lý các vi phạm về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo (căn cứ điểm a,b khoản 5 Điều 51 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) quy định như sau:
“5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;”
Biện pháp khắc phục hậu quả gồm:
+ Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
+ Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.
- Xử lý các vi phạm về điều kiện quảng cáo (căn cứ điểm b khoản 1 Điều 53 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) quy định như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
b) Không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng theo quy định khi quảng cáo tài sản.”
Biện pháp khắc phục hậu quả:Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, đối với các quảng cáo trên mạng có mục đích lừa dối, sai sự thật nhằm để trục lợi như mô tả của Bà, các đối tượng quảng cáo còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Về các biện pháp để khắc phục tình trạng nêu trên:
Căn cứ các quy định của pháp luật về quảng cáo và thông tin trên mạng hiện nay, việc sử dụng mạng Internet để hỗ trợ, phục vụ hoạt động kinh doanh là quyền của các tổ chức, cá nhân. Các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo, cung cấp thông tin trên mạng phải đáp ứng các điều kiện về quảng cáo, chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được cung cấp. Mọi vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo và thông tin trên mạng sẽ bị xử lý nghiêm hoặc xử lý hình sự.
Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có thể phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo vụ việc đến cơ quan Công an, UBND các cấp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh để được xem xét xử lý theo quy định.
Trân trọng.
THANH TRA SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG