Kính gửi: Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo
Tôi có dự định muốn mở Trung tâm, Công ty can thiệp đặc biệt cho trẻ tự kỷ tại Tây Ninh cần điều kiện gì, thủ tục ra sao?
Chào bạn!
Câu hỏi của bạn chưa nêu rõ loại hình, nội dung hoạt động của tổ chức dự kiến thành lập nên rất khó trả lời một cách chính xác. Trường hợp bạn dự kiến thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho trẻ tự kỷ), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Về quan điểm Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên việc thành lập, hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội đảm bảo theo đúng qui định của pháp luật. Hiện tại việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện theo qui định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ, cụ thể:
1. Hồ sơ đăng ký thành lập
a. Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP
b. Phương án thành lập cơ sở.
c. Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
d. Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.
e. Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.
f. Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
- Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
2. Nơi gửi hồ sơ
- Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập cơ sở biết và nêu rõ lý do.
3. Điều kiện cấp phép hoạt động
Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
2. Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
3. Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.
4. Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 nói trên còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Trân trọng./.