Kính gởi Sở KHCN
Vừa qua xem tin tức tôi được biết sở KHCN có tổ chức một số triển khai tại các xã trên đại bàn tình Tây Ninh ứng dụng việc làm phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt gia đình.
Tôi cũng rất quan tâm vấn đề này và muốn áp dụng tại gia đình mình. Nay tôi kính mong Sở có thể hướng dẫn tôi kỹ thuật này để tôi có thể áp dụng tại nhà mình.
Trân trọng cảm ơn!
Sở Khoa học và Công nghệ trả lời câu hỏi của ông/ bà như sau:
1. Cấu tạo của thùng xử lý rác
Thành phần vật tư chế tác nắp thùng xử lý rác: nắp của thùng phuy loại 120 lít, ống pvc phi 168 được vát mỏng một đầu (10 cm), nắp bít pvc phi 168 (1 cái), ống nối T phi 21 (1 cái), nắp bít phi 21 (3 cái), ống pvc phi 21 (15 cm), keo bình minh, keo silicon, pát kim loại, đinh rivê.
Hình 4: phần nắp thùng xử lý rác
Thiết bị hỗ trợ chế tác: máy khoan gắn mũi khoan phi 4, 8, 22mm, máy cưa lọng, kềm cắt ống, kềm rút rivê, máy cắt loại lớn.
Thời gian thực hiện/1 nắp thùng: Tổng thời gian thực hiện 15 phút/cái, nếu thực hiện đồng thời nhiều nắp thì tổng thời gian hoàn thiện một nắp sẽ giảm xuống từ 2-3 phút.
Mô tả:
Phần nắp cố định: Nắp của thùng phuy 120 lít được cắt một vòng tròn đường kính 168mm, đoạn 10 cm ống phi 168 được đặt vào giữa lỗ tròn trên nắp thùng, tiếp theo ba cái pát kim loại được lắp dính vào mặt dưới của nắp thùng và thành bên của ống pvc phi 168 bằng đinh rivê nhằm cố định ống pvc phi 168 trên nắp thùng. Khe hở giữa nắp thùng và ống pvc phi 168 được dán kín bằng keo silicon.
Phần nắp không cố định: nắp bít phi 168 đươc khoan một lỗ tròn ngay giữa có đường kính 22mm, phần ống nối T phi 21 được sử dụng làm tay cầm và được cố định vào nắp bít phi 168 bằng ống, bít phi 21 và keo dán ống bình minh.
1.2. Thùng chứa rác thải.
Thành phần vật tư chế tác phần thùng xử lý rác:
- Thùng phuy nhựa có dung tích 120l chất liệu HDPE có độ bền cao.
- Van xả nước rỉ rác: giúp kiểm soát lượng nước rỉ rác trong hệ thống.
- Rổ chẹt Quang Thành đường kính 50cm: cho phép nước rỉ rác di chuyển xuống đáy thùng, khoảng không giữa rổ và đáy thùng có chức năng lưu trữ nước rỉ rác cho đến khi nước rỉ rác được lấy ra khỏi thùng chứa.
- Gas: sử dụng để tạo ra nhiệt nung nóng phần thành thùng để tạo vết lỏm gắn van xả nước rỉ rác.
Thiết bị hỗ trợ chế tác: máy khoan gắn mũi khoan phi 17mm, đầu khò gas, bình phun nước làm nguội nhanh, dụng cụ tạo lỏm tròn.
Thời gian thực hiện/1 thùng: Tổng thời gian thực hiện 5 phút/cái, nếu thực hiện đồng thời nhiều nắp thì tổng thời gian hoàn thiện một thùng sẽ giảm xuống khoảng 1 phút.
Mô tả: thùng phuy nhựa 120l được đặt nằm ngang trên mặt đất, sau đó sử dụng đầu khò gas làm nóng một vùng có đường kính khoảng 10–13cm, khi phần được làm nóng đã đạt độ nóng cần thiết thì tiến hành sử dụng dụng cụ tạo lỏm để tạo một lõm tròn ngay vị trí vừa làm nóng sao cho mặt lỏm song song với mặt đất. Sử dụng bình phun nước làm nguội nhanh để cố định vết lỏm. Tiếp theo, tiến hành dùng mũi khoan phi 17 khoan một lỗ ngay tâm của vết lõm vừa tạo, khi đó tiến hành gắn van đã chuẩn bị sẵn vào vị trí vừa khoan, đặt đứng thùng lại, tiến hành đặt rổ lọc nước rỉ vào trong sao cho đáy rổ song song với đáy thùng, đến đây phần thùng chứa rác đã hoàn thiện.
Hình 6: rổ lọc nước rỉ rác (trái) và van xả nước rỉ rác (phải)
1.3. Chế phẩm EM: chế phẩm EM được nhân nuôi tại Trại Thực nghiệm Công nghệ Sinh học – Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh. Thành phần chính của chế phẩm bao gồm men EM gốc và mật rỉ. Mỗi bộ chế phẩm đi kèm thiết bị xử lý cung cấp ra thị trường bao gồm: thùng 5l chế phẩm EM (dự trữ chế phẩm để sử dụng lâu dài), bình phun 500ml để chứa chế phẩm phun vào thùng chứa rác sau mỗi cuối ngày.
Thời gian sử dụng chế phẩm: 6 tháng với điều kiện thùng chế phẩm được bảo quản nơi ít ánh sáng và thoáng mát.
2. Nguyên lý hoạt động của thiết bị
Trước khi sử dụng thùng xử lý rác, phần nắp cố định được mở ra và được phun sương chế phẩm một lần ở mặt trong thùng, mục đích để tạo quần thể vi sinh vật ban đầu trong thành thùng để nâng cao hiệu quả xử lý. Tiếp theo tiến hành cho rác vào và phun tiếp chế phẩm vào thùng bằng cách mở phần nắp không cố định tiến hành phun chế phẩm vào trong thùng thông qua phần ống phi 168 sau đó đóng nắp thùng lại. Các ngày xử lý tiếp theo chỉ cần phun chế phẩm ít nhất một lần vào cuối ngày.
Dấu hiệu nhận biết vi sinh vật đang hoạt động ổn định trong thùng: mặt trên của phần rác trong thùng xuất hiệm lớp meo màu trắng, mốc trắng, không có mùi hôi bốc ra.
2. Quy trình xử lý rác trong thùng ủ
Bước 1: tập trung rác thải sinh hoạt đã loại bỏ các thành phần vô cơ.
Bước 2: Cho rác vào thùng thông qua ống phi 168 trên phần nắp cố định.
Bước 3: phun chế phẩm EM trong bình phun vào thùng thông qua ống phi 168 trên phần nắp cố định sau đó đậy nắp thùng lại.
Bước 4: Lặp lại từ bước 1 – 3 cho đến khi thùng đầy rác.
Bước 5: đậy nắp thùng lại chờ hoàn tất quá trình xử lý (khoảng 60 – 75 ngày).
Bước 6: Lấy phân hữu cơ sau quá trình xử lý ra khỏi thùng chứa. Phân hữu cơ sau khi lấy ra có thể sử dụng bón ngay hoặc trữ lại để sử dụng lâu dài.