- Rẫy nhà tôi nằm ở cách xa khu dân cư nhưng thuộc thị trấn vậy tôi có được phép xây dựng nhà nuôi chim yến không? Theo Điều 3 Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến thì chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Phòng chuyên môn cấp huyện), nơi có cơ sở nuôi chim yến và đồng thời phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Như vậy, tôi phải làm những thủ tục nào để được cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến?
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh xin trả lời như sau:
Tại Khoản 1, Điều 12 của Luật Chăn nuôi quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi: “Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.”
Theo Luật, vị trí xây dựng nhà yến phải nằm ngoài khu vực cấm chăn nuôi. Việc xác định khu vực cấm chăn nuôi hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu UBND tỉnh lấy kiến các huyện, thành phố xác định ranh giới của khu vực cấm. Trên cơ sở xác định của các huyện, thành phố Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về khu vực cấm chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Từ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về khu vực cấm chăn nuôi, Chị xác định vị trí dự kiến xây nhà yến có nằm trong khu vực cấm hay không.
Về thủ tục nuôi chim yến, đối với tất cả cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Ủy ban nhân dân xã như quy định tại Khoản 1, Điều 54 của Luật Chăn nuôi, nội dung kê khai theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Về quản lý nuôi chim yến, trong đó có điều kiện, thủ tục để được nuôi chim yến sẽ theo quy định của Chính phủ như quy định tại Khoản 4, Điều 64 của Luật Chăn nuôi. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo Quy định tạm thời nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Khi Quy định được ban hành, Chị căn cứ theo hướng dẫn của quy định thực hiện.
Về nội dung Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 đã bị bãi bỏ bởi Quyết định số 2655/QĐ-BNNPTNT ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên một số nội dung khác của Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT vẫn còn hiệu lực và một số quy định khác có liên quan đến hoạt động nuôi chim yến như sau:
1. Vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh
- Căn cứ Khoản 5, Điều 1 của Nghị định số 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 11 của Nghị định số 66/2016/NĐ-CP: “Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến: thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ; không được sử dụng thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”.
- Căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT:
Việc thực hiện vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh và Khai thác, sơ chế tổ yến trong quá trình nuôi chim yến phải tuân thủ theo Điều 5 và Điều 6.
Ngoài ra, người nuôi chim yến cũng phải tuân thủ theo Điều 7. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi chim yến:
+ Phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất khi có nhu cầu;
+ Chịu trách nhiệm chi trả phí, lệ phí xét nghiệm dịch bệnh trên đàn chim yến theo quy định hiện hành;
+ Tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi, khai thác tổ yến phải tuân thủ các quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này;
+ Những cơ sở vi phạm phải bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hạn chế và phòng chống thiệt hại trong quá trình nuôi chim yến
Nhằm hạn chế, phòng chống thiệt hại trong quá trình nuôi chim yến, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến nên mời các chuyên gia kỹ thuật về nuôi chim yến và khảo sát địa chất; tổ chức tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật, khảo sát đo đạc nhằm giúp người nuôi chim yến phòng chống thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình nuôi chim yến.
Trên đây là ý kiến của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về trả lời ý kiến của nhân dân./.