Kính gửi: Sở Tài chính Tây Ninh
Tôi có câu hỏi như sau:
1. Mua sắm hàng hóa,dịch vụ (như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, công cụ dụng cụ,...) từ dự toán chi thường xuyên của đơn vị có giá trị bao nhiêu thì bắt buộc phải có 03 bảng báo giá và ký hợp đồng mua sắm? Mua sắm hàng hóa, dịch vụ bao nhiêu thì không cần báo giá?
2. Mua sắm hàng hóa, dịch vụ nói trên có phải thuộc nội dung mua sắm theo Luật đấu thầu không?
Tôi xin cám ơn!
Qua nghiên cứu nội dung câu hỏi, Sở Tài chính trả lời như sau:
1. Mua sắm hàng hóa, dịch vụ (như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, công cụ dụng cụ,...) từ dự toán chi thường xuyên của đơn vị có phải thuộc nội dung mua sắm theo Luật đấu thầu không ?
Theo điểm d khoản 1 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 quy định:
“…
d) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập”
Chi tiết nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị được quy định tại Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Do đó, đối với việc mua sắm hàng hóa,dịch vụ (như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, công cụ dụng cụ,...) từ dự toán chi thường xuyên của đơn vị thuộc nội dung mua sắm theo Luật Đấu thầu.
2. Mua sắm hàng hóa,dịch vụ (như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, công cụ dụng cụ,...) từ dự toán chi thường xuyên của đơn vị có giá trị bao nhiêu thì bắt buộc phải có 03 bảng báo giá và ký hợp đồng mua sắm? Mua sắm hàng hóa, dịch vụ bao nhiêu thì không cần báo giá ?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định: “Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt” (Giá trị mua sắm để áp dụng một trong các hình thức trên được quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu; Điều 54, Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu).
Tất cả các hình thức mua sắm trên khi thực hiện mua sắm đều phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nội dung kế hoạch lựa chọn được quy định tại Điều 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, trong đó giá gói thầu thực hiện theo khoản 2 Điều này.
Riêng gói thầu mua sắm có giá trị dưới 50 triệu đồng (quy định tại khoản 19 Điều 3 Quyết định 17/2019/QĐ-TTg) việc mua sắm thực hiện theo khoản 7 Điều 4 Quyết định này, cụ thể:
“Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật (không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu)”.
Đề nghị quý độc giả nghiên cứu các quy định trên để thực hiện.
Trân trọng kính chào./.