Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết tình hình ứng dụng công nghệ cao vào vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt và vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản?
Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định 382/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đến nay, việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, khoa học công nghệ vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể đã góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường. Cụ thể:
+ Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới, điều tiết ẩm độ, ánh sáng cho gần 500 ha trồng rau các loại, dưa lưới, hoa, đạt VietGAP (363,5 ha); kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt cho các loại cây trồng (mía: 3.000 ha; mì: trên 30.000 ha; cây ăn quả: 10.000 ha, với các loại: nhãn, chuối già Nam mỹ, sầu riêng, mít ăn tươi, mít sấy, xoài Đài Loan, xoài Úc, mãng cầu Đài Loan, mãng cầu Thái Lan, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, dứa, đạt VietGAP (1.170 ha)); xây dựng vùng lúa chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP (2.026 ha); 250 trang trại chăn nuôi heo thịt, heo nái, gà thịt chuồng kín, trại lạnh, ổn định khí hậu; 58 cơ sở chăn nuôi đạt VietGAPH, đặc biệt có trang trại bò sữa 8.000 con đạt chuẩn GlobalGAP.
+ Về sử dụng Giống trong sản xuất: chuyển đổi giống nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng, thanh nhãn, nhãn Ido; ứng dụng giống lai F1 trên rau quả; giống lúa chất lượng cao: 5451, ST đỏ, Đào thơm 8, jasmine; giống mì KM 419, KM 505, KM 94 đột biến; giống mía KK3; Giống bò sữa cao sản, tinh bò sữa định hướng giới tính; lai tạo giống bò thịt bằng nguồn tinh các bò giống chuyên thịt như Brahman, Angus, BBB, Charolais; lai tại giống heo thịt 2-3-4 giống heo ngoại với các dòng Duroc, Pietrian; tuyển chọn giống gà ta.
+ Tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực canh tác: cơ giới hóa đồng bộ gắn cánh đồng lớn, qui trình sản xuất tiết kiệm nước, cày công suất lớn, hệ thống tưới đồng bộ, tưới centerpivot. Trong chăn nuôi: Sử dụng hệ thống làm mát Cooling pad để điều chỉnh nhiệt độ; Hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động; sử dụng robot đẩy thức ăn; dàn vắt sữa tự động; sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại, ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hình ảnh trong chẩn đoán bệnh; sử dụng chip điện tử để quản lý thông tin về năng suất sữa và sức khoẻ của bò sữa; hệ thống giết mổ treo.
+ Ứng dụng Công nghệ sinh học vào sản xuất: sử dụng phòng trừ sinh học, bẩy đèn bắt côn trùng, bẩy sinh học dẫn dụ ruồi đục quả mãng cầu, ong ký sinh trị rệp sáp /mì, ong mắt đỏ/mía; tricodemas xử lý đất, phân; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi.
+ Ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS tại tỉnh Tây Ninh, đã triển khai thực hiện cho 70 hộ nông dân với diện tích là 926,84 ha trên một số loại cây trồng như: chuối già Nam mỹ, mít, bưởi, cam, quýt, dưa lưới, mãng cầu, nhãn, sầu riêng, dứa, dưa lưới.... tại các huyện, thành phố. Đã có 05 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm./.