Xin chào Ban Biên Tập,
Công ty 3D Smart Solution đang cung cấp dịch vụ in 3D. Đối với các sản phẩm máy in 3D, công ty muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu, bằng sáng chế thì thực hiện theo qui trình thế nào. Việc bảo hộ được pháp luật bảo hộ trong thời gian bao lâu, xin cảm ơn
Chào ông (bà)!
* Đối với các sản phẩm máy in 3D, công ty muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu, bằng sáng chế thì thực hiện theo qui trình thế nào?
Sở KHoa học và Công nghệ xin trả lời như sau:
I. Đăng ký bảo hộ thương hiệu:
Đối với sản phẩm máy in 3D, Công ty có thể đăng ký độc quyền cho các đối tượng sở hữu công nghiệp sau:
1. Nhãn hiệu (NH): là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu có thể là tên gọi sản phẩm bằng chữ, lô gô, hình ảnh thiết kế để phân biệt…
Ví dụ: Máy in 3D “Canon” đăng ký độc quyền chữ “Canon” cho sản phẩm “máy in 3D”.
2. Kiểu dáng công nghiệp (KDCN): là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện... thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập.
Ví dụ: nếu máy in 3D có hình dáng (đường nét, hình khối, …) khác biệt so với máy in 3D khác thì doanh nghiệp có thể đăng ký KDCN cho sản phẩm.
II. Bằng sáng chế
Sáng chế (SC)/Giải pháp hữu ích (GPHI): SC/GPHI là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tạo ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra. Thuộc tính cơ bản của SC/GPHI là đặc tính kỹ thuật bởi vì SC/GPHI là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.
Ví dụ: nếu máy in 3D có giải pháp kỹ thuật gì mới so với các máy in 3D hiện có, thì doanh nghiệp có thể đăng ký độc quyền giải pháp ấy dưới dạng sáng chế.
III. Quy trình bảo hộ:
Bước 1: Nộp đơn đăng ký (trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc trụ sở Văn phòng đại diện phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM)
Bước 2: Quy trình xem xét đơn của Cục Sở hữu trí tuệ
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (NH, KDCN, SC) được thẩm định hình thức trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
- Sau khi được chấp nhận hợp lệ, đơn đăng ký NH, KDCN được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Đối với Đơn đăng ký SC được công bố trong tháng thứ mười chín (19) kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:
+ Đối với KDCN là 7 tháng, NH là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn.
+ Đối với SC là 18 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn);
Lưu ý: Thời gian xem xét đơn trên thực tế thường kéo dài hơn so với thời gian quy định trên tuỳ thuộc và khối lượng đơn của Cục Sở hữu Trí tuệ. Thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị trước khi nộp đơn ví dụ như: tra cứu, chuẩn bị hình, chuẩn bị bản mô tả … chưa được tính vào thời hạn nêu trên.
Biểu mẫu, tờ khai, hồ sơ, thủ tục đăng ký Công ty có thể:
- Truy cập website của Sở KH&CN Tây Ninh tại mục: THÔNG TIN CẦN BIẾT / HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ (hoặc website Cục Sở hữu trí tuệ: http://www.noip.gov.vn)
- Liên hệ trực tiếp Sở KH&CN Tây Ninh để được cung cấp theo địa chỉ: Phòng Quản lý Chuyên ngành (địa chỉ: Số 211 Đường 30/4, Phường II, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; ĐT: 066.3824425; Fax: 066.3827654; Email: pqlcntayninh@gmail.com)
** Việc bảo hộ được pháp luật bảo hộ trong thời gian bao lâu?
IV. Thời hạn hiệc lực của văn bằng bảo hộ
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
- Bằng độc quyền KDCN có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn. Có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
- Bằng độc quyền SC có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
Trân trọng!