Kính gửi: UBND tỉnh Tây Ninh.
Tôi là một trong những công chức đang làm việc tại tỉnh Tây Ninh, trong quá trình công tác tại đơn vị cũng gần 10 năm tôi rất bức xúc về việc công nhận sáng kiến vì nhiều lý do. Tôi nghĩ để được công nhận sáng kiến công khai, minh bạch cần:
1/ Điều kiện để một sáng kiện được công nhận là thế nào phải công khai minh bạch.
2/ Định nghĩa sáng kiến là gì?
3/ Sáng kiến là phải mới và được áp dụng trong quá trình công tác đem lại hiệu quả cho cá nhân, đơn vị...
4/ Hội đồng thẩm định nên có sự tham dự của toàn thể cán bộ công chức tham dự với vai trò là quần chúng, quần chúng có quyền được đặt câu hỏi và biểu quyết.
5/ Khi UBND tỉnh công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cần xem lại đề tài sáng kiến vì đó là một trong những tiêu chí tránh trường hợp công nhận theo đề nghị mà không xem xét vì theo tôi có rất nhiều đề tài được công nhận theo cảm tính mà chẳng có ý nghĩa gì (ví dụ: họ dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát thì cá nhân đó chỉ sao chép coppy lại thì sao gọi là sáng kiến chẳng có gì mới mẻ. Hơn nữa đã là văn bản: Luật, Thông tư, Nghị định,... thì phải áp dụng là điều hiển nhiên,....).
6/ Một số vấn đề tài theo tôi đó là hiễn nhiên chẳng có gì là chất xám của tác giả vậy mà được công nhận là điều không thể chấp nhận được.
Vì những lý do trên tôi kính mong UBND tỉnh xem xét để có văn bản quy định cụ thể rõ ràng để chiến sĩ thi đua cấp đơn vị , cấp tỉnh xứng đáng với danh hiệu chứ không phải theo hinh thức hoặc theo sự nể nang. Tôi thành bất biết ơn.
Trân trọng./.
Xin Chào Anh/Chị!
*Căn cứ nội dung trên:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013.
- Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.
*Nội dung trả lời:
1. Sáng kiến là gì:
Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định “Sáng kiến” như sau:
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận.
2. Điều kiện công nhận sáng kiến:
Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định:
Việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Khoa học cấp cơ sở giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, công nhận.
3. Về Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Khoa học:
Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định:
Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Khoa học cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền công nhận Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” quyết định thành lập. Thành phần Hội đồng gồm những thành viên có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học và các thành viên khác (nếu cần thiết).
4. Về quy trình chấm đề tài, giải pháp cấp tỉnh phục vụ việc công nhận Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh”
Việc chấm đề tài, giải pháp cấp tỉnh được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, trên thang bảng điểm đã được quy định về tính mới, hiệu quả mang lại và khả năng áp dụng.
Sáng kiến, giải pháp được nghiệm thu áp dụng, tác giả phải thực hiện báo cáo tóm tắt về sáng kiến để Hội đồng chấm. Sáng kiến, giải pháp thực hiện theo nhóm phải ghi rõ công sức đóng góp của từng thành viên trong nhóm để thực hiện sáng kiến, giải pháp.
Sáng kiến, giải pháp của các cá nhân được phân loại và giao cho các thành viên Hội đồng chấm độc lập, theo bảng điểm đã được quy định; điểm của sáng kiến là điểm trung bình cộng. So với điểm chuẩn quy định để xét đạt hay không đạt của một sáng kiến, giải pháp.
*Kết luận:
1. Sáng kiến là gì, điều kiện để một sáng kiến được công nhận đã được quy định cụ thể, công khai, minh bạch bằng các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Sáng kiến phải được áp dụng để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác, phải được Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Khoa học xem xét, công nhận và đánh giá mức độ ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học.
3. Thành phần Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Khoa học cấp cơ sở có sự tham dự của cán bộ, công chức, viên chức với vai trò quần chúng để phản biện hay không do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định dựa trên đặc điểm tình hình thực tế.
4. Sáng kiến là một tiêu chí quan trọng để xét, công nhận Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp, trong đó có Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. Hàng năm, khi tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Danh hiệu này, Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình đã được quy định, không có hiện tượng công nhận theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương mà phải thông qua Hội đồng Sáng kiến, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh xem xét, đánh giá.