-TÔI XIN LỖI VÌ CUNG CẤP TIN NHẮN TRƯỚC KHÔNG ĐÚNG NGÀY.
Kính gửi: -UBND Tỉnh Tây Ninh
-Sở Tư Pháp Tỉnh Tây Ninh
-ngày 09/10/2015 tôi có đi ra xã thanh điền –châu thành đem theo bản chính nguyên vẹn không bị sai gì cả để làm bản sao giấy khai sinh cho chị ruột tôi:nguyễn xuân lộc.Tôi yêu cầu người có trách nhiệm làm giấy khai sinh là cán bộ cô Thời làm cho tôi 5 bản sao khai sinh sao y như bản chính :
+cô thời nói bổ sung cha,nơi sinh gì đó,tôi hỏi tại sao phải bổ sung vì bản chính của tôi được xã cấp và hợp pháp , tôi làm bản sao từ bản chính chứ không làm lại bản chính mà cô thời nói không làm được,tôi hỏi tôi đi làm bổ sung cha,nơi sinh có được không thì cô thời nói cha làm mới được sau đó tôi ngồi im lặng ở phòng công chứng xã nhưng cô thời không nói gì và tôi đi về.
- ngày 15/10/2015 Ba tôi đi làm cô ấy đưa thủ tục hồ sơ để ghi và hẹn sáng ngày 16/10/2015
-ngày 16/10/2015 buổi sáng Ba tôi đi làm thì anh địa chính nói đi hợp hết rồi chú ơi,chiều ba tôi ra thì cô ấy đưa thủ tục hồ sơ tới 8 tờ nhận cha gì đó và lệ phí lấy Ba tôi 60 ngàn:đánh máy 20 ngàn+40 ngàn chứng thực và kêu cầm lên cấp huyện làm hồ sơ.
-ngày 16/10/2015 buổi chiều ba tôi đi lên huyện làm lệ phí 50 ngàn và giấy hẹn lấy 26/10/2015.
-ngày 26/10/2015 ba tôi đi lấy thì chưa có ,ngày 29/10/2015 ba tôi đi lấy thì có bản chính và kèm theo văn bản là giấy khai sinh bản chính bị hư nát nên khai và đã cấp lại bản chính , kêu về xã làm bản sao.
-Tôi có câu hỏi không hiểu về tư pháp như sau:
1/cán bộ tư pháp công chứng ở xã thanh điền tự ý làm khó dân hay chưa am hiểu về luật hộ tịch .
2/tại sao em ruột không làm giùm được mà trong luật cho phép em làm giùm được, một cán bộ xã sách nhiễu ,làm khó dân hôm nay là ba tôi phải đi lên đi xuống nhiều lần và thu lệ phí chưa hợp lý .nếu một người đi làm cực khổ như vậy thì sau đó rồi nhiều người thì sao….cán bộ đó có xứng đáng được người dân tin cậy không.
3/một cán bộ xã làm ăn lương nhà nước 8 tiếng một ngày mà khi tôi hỏi tại sao lấy tiền đánh máy thì cô thời nói làm tư nhân ở ngoài cũng lấy tiền đánh máy như vậy trách nhiệm làm việc cho dân ở đâu + thu tiền chứng thực nhiều như vậy có đúng không và luật có cho phép làm điều đó không
4/tôi muốn hỏi cán bộ đó có làm đúng không.Dân chỉ làm bản sao khai sinh theo bản chính mà cán bộ làm vậy có đúng không.
-Tôi xin chân thành cám ơn.
Kính chào ông Toàn.
Sau khi nhận các câu hỏi của ông Toàn, UBND huyện đã chuyển các câu hỏi trên đến Phòng Tư pháp huyện Châu Thành và nhận được trả lời như sau:
Ngày 04/11/2015 Phòng Tư pháp huyện Châu Thành có nhận được phản ánh của Ông Nguyễn Văn Toàn công dân xã Thanh Điền, Châu Thành, Tây Ninh về việc “Làm lại bản sao giấy khai sinh” cho Nguyễn Xuân Lộc.
Ngay khi nhận được Thông tin, Phòng Tư pháp huyện Châu Thành đã nhanh chóng xác minh và xử lý phản ánh đối với trường hợp Bà Lâm Thị Bích Thời công chức Tư pháp – Hộ Tịch xã theo phản ánh của Ông Nguyễn Văn Toàn công dân xã Thanh Điền, Châu Thành, Tây Ninh từ thông tin mà ông cung cấp ngày 03 tháng 11 năm 2015 đến cổng thông tin điện tử của UBND huyện Châu Thành.
Phòng Tư pháp huyện Châu Thành trả lời những vướng mắc của ông như sau:
1. Những hướng dẫn của công chức Lâm Thị Bích Thời về việc giải quyết hồ sơ sao bản sao giấy khai sinh cho đương sự Nguyễn Xuân Lộc là đúng với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ hộ tịch thực hiện cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch” do vậy khi tiến hành sao bản sao cho đương sự thì cán bộ hộ tịch phải mở sổ theo dõi kiểm tra thông tin theo quy định. Trong trường hợp của ông (bà) sổ gốc không có đầy đủ thông tin của cha. Vì thế đương sự cần bổ sung thông tin của cha vào hồ sơ cá nhân trước khi tiến hành sao bản sao. Theo quy định tại khoản 2, Điều 37 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi”. Vì thế hồ sơ của đương sự Nguyễn Xuân Lộc phải được thực hiện hoàn tất tại Phòng Tư pháp huyện Châu Thành.
2. Đối với thủ tục nhận Cha, mẹ, con theo quy định tại Khoản 1, Điều 34 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự” và theo Khoản 3, Điều 34 cũng quy định “Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên”. Đối với trường hợp của đương sự , cha còn sống và hiện rất minh mẫn. Vì vậy theo đúng quy định thì người có nhu cầu nhận cha, mẹ, con phải là người trực tiếp có mặt đến cơ quan chức năng thực hiện thủ tục đúng theo quy trình luật định.
- Đối với mức thu lệ phí đăng ký nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định tại khoản 1, Điều 5 như sau “nhận cha, mẹ, con mức thu 15.000đ”. Trong trường hợp của đương sự, bộ phận một cửa giao cho 8 bản (gồm bản chính và bản sao quyết định), thu 40.000 đồng, tính ra mỗi bản chỉ có 5.000 đồng, thấp hơn so với quy định tại Quyết định 26/2014/QĐ-UBND tỉnh Tây Ninh.
3. Đối với việc thu tiền đánh máy: qua xác minh thực tế tại UBND xã Thanh Điền công chức Tư pháp – Hộ tịch chỉ thực hiện công tác chuyên môn, còn việc thu phí là do bộ phận “Một cửa” thực hiện nhưng vậy phản ánh của ông về việc Bà Thời thu phí của ông 60.000 (20.000 đánh máy và 40.000 phí hộ tịch) là không đúng.
- Việc thu tiền chứng thực tại đơn vị không phải nhiều mà công chức còn thu thấp hơn so với quy định (do điều kiện người dân còn nhiều khó khăn).
- Việc thu các khoản lệ phí trong lĩnh vực hộ tịch có quy định rõ tại Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
4. Nếu ông (bà) chỉ có nhu cầu sao bản sao thì công chức Tư pháp –Hộ tịch chỉ sao theo những nội dung thông tin có trong sổ hộ tịch. Nếu làm như thế thì bản sao giấy khai sinh của đương sự sẽ không có đầy đủ thông tin, khi bổ sung hồ sơ cá nhân cho các cơ quan chức năng sẽ không nhận bản sao này vì thiếu thông tin. Với mong muốn bổ sung kịp thời hồ sơ cá nhân cho ông (bà) thì việc làm của công chức tư pháp – Hộ tịch là không sai.
Trên đây là ý kiến trả lời về việc làm lại bản sao giấy khai sinh của Phòng Tư pháp Châu Thành. Nếu ông (bà) còn vướng mắc xin liên hệ trực tiếp Phòng Tư pháp qua số điện thoại 066.3878149./.
Sở Tư pháp Tây Ninh
Trả lời:
Tại Điều 10 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về Ủy quyền như sau: “Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (Trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên”.
Tại Điều 62 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về cấp lại bản chính Giấy khai sinh và thẩm quyền cấp lại bản chính Giấy khai sinh như sau:
1. Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh.
Và theo điểm d, khoản 2, chương IV của Thông tư số: 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau: “Trong trường hợp đương sự có yêu cầu cấp lại bản chính Giấy khai sinh, đồng thời bổ sung nội dung trong bản chính Giấy khai sinh, thì Sở Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết việc bổ sung các nội dung trong Sổ đăng ký khai sinh trước, sau đó thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh theo nội dung đã được ghi bổ sung trong Sổ đăng ký khai sinh”.
Tại Điều 60 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định Bản sao và thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch như sau:
1. Bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch là bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này, căn cứ vào sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ, để cấp cho người có yêu cầu.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ hộ tịch thực hiện cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.
Ngoài ra, việc thu lệ phí hộ tịch được áp dụng theo Quyết định số: 26/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh và việc thu lệ phí phải có biên lai do cơ quan thuế cấp.