Theo nội dung câu hỏi của bạn, Sở Tư pháp có ý kiến như sau:
Trước tiên xác định tài sản (bất động sản) do ba, mẹ bạn tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung; còn tài sản của ông Ngoại bạn chia riêng cho mẹ là tài sản riêng của mẹ bạn (nếu Mẹ của bạn chưa đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký sáp nhập vào khối tài sản chung).
Như bạn đã nêu, trước khi mất 02 tháng “cả Ba và mẹ tôi, em gái tôi và tôi có cùng ký tên vào tờ giấy viết tay do tôi viết và được sự thống nhất về việc phân chia tài sản cho các con, do bận việc nên tôi chưa sắp xếp để ba mẹ và các em ra công chứng làm giấy ủy quyền thì ba tôi mất”. Do vậy nên việc thống nhất phân chia tài sản nêu trên chưa được UBND cấp xã chứng thực chữ ký, cũng như chưa được tổ chức hành nghề công chứng công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản nên không có giá trị pháp lý.
Sau khi Ba bạn mất thì khối tài sản chung của ba, mẹ bạn được chia đôi theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình, 50% tài sản của ba bạn đã trở thành di sản thừa kế. Trong trường hợp Ba của bạn lúc còn sống không để lại di chúc để định đoạt tài sản của mình, nên phần di sản của Ba bạn được chia thừa kế theo quy định của pháp luật được quy định tại điểm a Khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015; đồng thời tại Khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do đó, di sản của Ba được chia theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015, cụ thể gồm: vợ, 03 người con ruột và con nuôi (nếu có) mẹ của Ba bạn (bà Nội của bạn) và cha, mẹ, nuôi của Ba bạn (nếu có). Trong trường hợp Ba của bạn không có cha, mẹ nuôi, con nuôi thì 50% di sản của Ba bạn được chia thành 05 (bà Nội, Mẹ, Bạn, em gái và em trai của bạn) phần bằng nhau.
Đối với tài sản riêng của Mẹ bạn (do ông Ngoại bạn chia) mà chưa sáp nhập vào tài sản chung thì Mẹ của bạn có quyền định đoạt tài sản của mình.
Do đó, căn cứ vào các quy định nêu trên bạn có thể đề nghị chia phần di sản bạn được thừa kế theo quy định của pháp luật.