Cho tôi hỏi đặc điểm dân cư tại địa bàn thành phố Tây Ninh như thế nào? số liệu về dân cư, dân tộc, tôn giáo?
UBND Thành phố thông tin đến bạn như sau:
Thành phố Tây Ninh là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội của tỉnh Tây Ninh, với tổng số đơn vị hành chính là 10 đơn vị; diện tích tự nhiên 14.000,81 ha, dân số 160.672 người, phía Đông và Nam giáp huyện Hòa Thành; phía Tây giáp huyện Châu Thành, phía Bắc giáp huyện Tân Châu. Với vị trí địa lý như trên, thành phố Tây Ninh được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối giữa các huyện trong tỉnh.
Qua 5 năm hình thành và phát triển, thành phố Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị ngày càng khang trang, đời sống của người dân Thành phố nói chung và người dân tộc sinh sống trên địa bàn Thành phố nói riêng được nâng lên rõ rệt. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 75% các tiêu chuẩn của đô thị loại II, đến năm 2025 đạt đô thị loại II. Hiện có 01/03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển Thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phát triển chung của tỉnh.
Thành phố Tây Ninh hiện có 10 dân tộc thiểu số (DTTS), với 678 hộ, 2.638 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1.98% dân số, so với nhiệm kỳ trước giảm 0.29%. Đồng bào các DTTS sống tập trung chủ yếu ở các địa bàn phường, xã như: dân tộc Chăm ở Phường 1; dân tộc Tà Mun ở phường Ninh Thạnh và xã Tân Bình; dân tộc Khmer ở xã Thạnh Tân, dân tộc Hoa ở Phường 2; một số dân tộc khác sống đan xen với đồng bào người kinh như: dân tộc Ấn, Mường, Thái, Châuro, Tày, Nùng.
Đa số dân tộc Chăm, Khơmer, Tà Mun sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, các hộ đã sống lâu đời cùng với người kinh nên tiếp cận sớm về trồng trọt, chăn nuôi, biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống ổn định hơn trước. Dân tộc Hoa sinh sống và kinh doanh chủ yếu về thương mại - dịch vụ nên có đời sống tương đối khá. Ngoài ra, có một số ít người DTTS làm việc trong các Sở, ngành Tỉnh; các cơ quan Thành phố và UBND phường, xã. Bên cạnh đó còn một số hộ không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Địa bàn Thành phố có 01 nhà văn hóa dân tộc của người Tà Mun (xã Tân Bình), 01 nhà văn hóa của người Khơmer xã Thạnh Tân, 01 Trường Mẫu giáo dành riêng người dân tộc Khmer (xã Thạnh Tân) và 01 Trường phổ thông trung học dân tộc nội trú (phường Ninh Sơn).