Tình hình thu chi tài chính, các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh ở các trường học, từ mầm non đến THPT đang là nỗi bức xúc của các gia đình. Trách nhiệm của Sở Tài chính đối với việc này như thế nào? Theo phản ánh của rất nhiều phụ huynh, họ cho biết là có liên hệ với thanh tra Sở Tài chính khi phát hiện nhà trường thu chi sai, nhưng thanh tra Sở tài chính lại chỉ phụ huynh về địa phương, chứ thanh tra Sở Tài chính không kiểm tra ( dù phụ huynh đã có phản ánh). Tại sao khi phát hiện vụ việc về tài chính, Thanh tra Sở tài chính lại đùn đẩy cấp dưới giải quyết, và phải chờ cấp dưới (phòng tài chính huyện, UBND huyện) rồi mới đến lượt thah tra sở vào cuộc? Tôi nghĩ rằng, dù cấp trên hay cấp dưới, khi người dân phản ánh, thanh tra Sở tài chính phải có sự chỉ đạo, hoặc trực tiếp vào cuộc, xác minh, chứ không bắt người dân quay về địa phương để giải quyết. Trong khi nội dung phản ánh lại là địa phương đó, liệu có khách quan khi để địa phương giải quyết vụ việc do mình làm sai?
Qua nội dung câu hỏi trên, Sở Tài chính có ý kiến như sau:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thay cho Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012), trách nhiệm của các cơ quan ngành Giáo dục và Đào tạo (từ điều 10 -12), gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi tỉnh; Phòng Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi huyện, thành phố; Cơ sở giáo dục (Nhà trường) tổ chức tiếp nhận, theo dõi và sử dụng các khoản tài trợ, đóng góp theo kế hoạch được phê duyệt của cấp thẩm quyền. Đồng thời, quy định trách nhiệm Ban đại diện cha mẹ học sinh (Điều 13), Hội đồng trường (Điều 14) phối hợp nhà trường tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ; giám sát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, đóng góp;
2. Tại phòng tiếp dân Sở Tài chính, Thanh tra Sở tiếp công dân tự nhận là người đại diện cha mẹ học sinh của Trường Mẫu giáo thị trấn thuộc huyện đến trình bày phản ánh về thu, chi các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh nhà trường có dấu hiệu không bình thường (ngoài ra, trước nay chưa nhận được văn bản phản ánh về nội dung này).
Sau khi xem đơn phản ánh, nhận thấy sự việc chưa rõ ràng, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài chính, cho nên cán bộ tiếp dân đã hướng dẫn công dân này nên phản ánh với Ban Giám hiệu nhà trường để làm rõ, nếu vẫn không làm rõ được thì phản ánh đến cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý nhà trường, hoặc gửi đơn nơi UBND huyện để xem xét, chỉ đạo cơ quan thuộc huyện (Phòng giáo dục – Đào tạo; Phòng tài chính Kế hoạch; Thanh tra huyện) kiểm tra làm rõ, là làm đúng theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 27 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại “2. Việc xử lý tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi tiếp công dân thực hiện như sau: a) Trường hợp công dân trực tiếp đến trình bày tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp công dân….;nếu tố cáo, kiến nghị, phản ánh, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tưởng cơ quan, hướng dẫn công dân đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.”.
Như vậy, không có vấn đề thiếu trách nhiệm, đùn đẩy cấp dưới giải quyết xảy ra tại Thanh tra Sở Tài chính, mà việc tiếp nhận, giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị của công dân phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
3. Để khắc phục tình trạng lạm thu hiện nay, Sở Tài chính nhận thấy: Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng trường cần làm tốt vai trò giám sát, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, đóng góp của nhà trường; khi phát hiện tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về nội dung này thì kịp thời phản ánh lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý nhà trường, cơ quan chính quyền địa phương để xử lý.
Trân trọng kính chào./.