Tôi chuẩn bị làm đất trồng mì thuộc Trà vong Tân Biên, do hiện nay thực trạng khảm lá mì thành dịch và có thuốc đặc trị. Xin hỏi quá trình chuẩn bị đất (cày, xới) có thể rãi thuốc rầy hột để phòng ngừa côn trùng là trung gian truyền bệnh khảm lá mì ?
Trân trọng!
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có ý kiến trả lời như sau:
Bệnh khảm lá cây khoai mì do tác nhân là virus gây ra và hiện nay chưa có thuốc để trị bệnh. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng là do lan truyền qua côn trùng môi giới (bọ phấn trắng) và từ hom giống lấy từ vùng có dịch. Trong năm 2018, bệnh đã phát sinh gây hại hầu hết diện tích mì trồng mì trên địa bàn 10/10 xã, thị trấn thuộc huyện Tân Biên. Hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có loại thuốc dùng để trừ bọ phấn trắng trên cây khoai mì (sắn). Trong thời gian chờ các doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV làm thủ tục đăng ký loại thuốc BVTV dùng để trừ bọ phấn trắng trên cây khoai mì, Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất là Dinotefuran hoặc Pymetrozine. Tất cả các loại thuốc BVTV được phép sử dụng có 02 loại hoạt chất trên dùng để phun, không sử dụng để rải vào đất. Đồng thời, bọ phấn trắng chỉ chích hút gây hại khi cây mì mọc mầm và phát triển. Do vậy, đề nghị người sản xuất trong thời gian tới:
- Thực hiện theo nội dung trả lời câu hỏi trực tuyến có nội dung “Cách phòng bệnh mì khảm lá ? Hiện nay có thuốc trị hữu hiệu ?. Ngày giờ hỏi: 24/9/2018 vào lúc 20h 57 phút”.
- Không sử dụng thuốc trừ rầy hột để rải trong quá trình chuẩn bị đất vì không có hiệu quả để kiểm soát bọ phấn trắng. Hiện nay, áp lực dịch bệnh lớn, tạm thời có thể lựa chọn thuốc BVTV có hoạt chất là Dinotefuran hoặc Pymetrozine để phun trừ bọ phấn trắng ở giai đoạn mọc mầm – 2 tháng tuổi nhằm hạn chế lan truyền bệnh khảm lá./.