Kính gửi: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Em xin hỏi câu hỏi như sau:
Theo công văn số 1376/BTC-TCT ngày 26 tháng 01 năm 2016 V/v V/v sử dụng hóa đơn, biên lai đối với hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế công lập thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 cơ sở y tế công lập phải thực hiện sử dụng hóa đơn từ ngày 1/7/2016 theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính
Vậy em xin hỏi như sau:
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Trung tâm Y tế huyện có phải đặt in hoá đơn hay là mua hoá đơn của cơ quan thuế?
2. Hoá đơn sử dụng của Trung tâm Y tế huyện là hoá đơn giá trị gia tăng hay hoá đơn bán hàng thông thường?
3. Hoá đơn Trung tâm Y tế huyện sử dụng để quyết toán với bảo hiểm xã hội huyện là hoá đơn giá trị gia tăng hay hoá đơn bán hàng thông thường?
4. Trường hợp Trung tâm Y tế huyện chưa thực hiện đặt in hoá đơn thì trong thời gian chưa có hoá đơn sử dụng có được tiếp tục sử dụng biên lai thu phí không?
Rất mong được Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh giải đáp sớm. Em xin cám ơn./.
Chào bạn!
Theo câu hỏi của bạn, Cục Thuế Tây Ninh trả lời như sau:
Tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 11. Đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế
1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
…
c) Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.”
Tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 128/2011/TT-BTC ngày 12/9/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở y tế công lập:
"Điều 4. Thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Thu nhập được miễn thuế và thu nhập chịu thuế:
1.1. Thu nhập được miễn thuế:
Thu nhập từ khám bệnh chữa bệnh theo Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc viện phí do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đối với cơ sở y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế hoặc do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành đối với cơ sở y tế công lập do địa phương quản lý; Thu nhập từ dịch vụ ăn uống dinh dưỡng lâm sàng theo chế độ bệnh tật: qua ống tiêu hóa, qua đường tĩnh mạch; Thu nhập từ dịch vụ trong lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm nghiệm, kiểm định có thu phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí; và các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN theo quy định tại Mục VI Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính.
1.2. Thu nhập chịu thuế:
Thu nhập từ dịch vụ khám chữa bệnh (ngoài thu nhập quy định tại khoản 1.1 điều này) và các khoản thu nhập khác theo quy định."
Tại Khoản 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng quy định:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”
Tại Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%.
Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%...”
Tại công văn số 1376/BTC-TCT ngày 26/01/2016 của Tổng cục Thuế về việc sử dụng hóa đơn, biên lai đối với hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế công lập:
"Ngày 23/12/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 19145/BTC-TCT gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
“Căn cứ quy định tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, không thực hiện thu phí theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Do vậy, từ ngày 01/01/2016, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế công lập khi thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập sử dụng hóa đơn theo quy định tại quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.”
Tiếp theo công văn số 19145/BTC-TCT nêu trên, trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
Để tránh lãng phí đối với Biên lai thu phí, lệ phí còn tồn, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập có thời gian đặt in mẫu hóa đơn phù hợp với nghiệp vụ kinh tế phát sinh, các cơ sở y tế công lập đang sử dụng các loại Biên lai thu phí, lệ phí đã mua của cơ quan thuế hoặc do đơn vị tự in, đặt in đã thực hiện thông báo phát hành trước ngày 1/1/2016 nhưng chưa sử dụng hết thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/6/2016.
Trường hợp đến hết ngày 30/6/2016, cơ sở y tế công lập chưa sử dụng hết Biên lai thu phí, lệ phí còn tồn thì Cục Thuế hướng dẫn đơn vị thực hiện thanh hủy theo quy định tại tiết d, khoản 2 Điều 4 Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 và hướng dẫn đơn vị thực hiện sử dụng hóa đơn từ ngày 1/7/2016 theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính."
Căn cứ quy định nêu trên, từ ngày 01/7/2016, cơ sở y tế công lập sử dụng hoá đơn theo quy định Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ khi khám, chữa bệnh theo khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành. Đồng thời đơn vị lập hoá đơn khi quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm y tế. cơ sở y tế công lập thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:
Đến hết ngày 30/6/2016, cơ sở y tế công lập chưa sử dụng hết Biên lai thu phí, lệ phí còn tồn thì đơn vị thực hiện thanh hủy theo quy định tại tiết d, khoản 2 Điều 4 Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính.
Cơ sở y tế công lập đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng.
Trường hợp Cơ sở y tế công lập chưa thực hiện đặt in hoá đơn thì liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được bán hóa đơn theo quy định.
Trân trọng.