Tôi đăng ký kết hôn năm 2013, trong quá trình chung sống hay bị chồng đánh đập, nay tôi muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý ký vào đơn, xin ban biên tập cho biết tôi có thể ly hôn đơn phương được hay không? Thủ tục hồ sơ cần những gì?
* Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “ Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, theo quy định chúng tôi đã trích dẫn trên thì bạn có quyền ly hôn đơn phương và nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện.
* Về thủ tục hồ sơ (ly hôn theo yêu cầu của một bên): Bạn phải nộp hồ sơ gồm những giấy tờ cơ bản sau: được nộp tại Tòa án, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị ly hôn (hoặc đến Tòa án sẽ được cung cấp mẫu đơn)
- Bản sao Giấy CMND, sổ hộ khẩu;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trường hợp không còn bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn.
Nếu bạn yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề con và tài sản thì bạn còn cung cấp cho Tòa án các loại giấy tờ như:
- Bản sao Giấy khai sinh của con;
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu các loại tài sản…
- Giấy tờ thể hiện việc vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản (nếu có).
* Thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
- Nếu bạn và chồng của bạn cùng nơi cư trú thì Tòa án cấp huyện nơi bạn và chồng của bạn cư trú có thẩm quyền giải quyết.
- Nếu bạn và chồng của bạn cư trú hai nơi khác nhau (nghĩa là không cùng cư trú trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố) thì Tòa án cấp huyện nơi chồng bạn cư trú giải quyết (Tòa án nơi bị đơn cư trú) – Không áp dụng đối với trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài. ( Theo quy định tại Điều 33, Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Lưu ý:
- Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú (khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú)
- Bị đơn (chồng của bạn) phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa; Bị đơn (chồng của bạn) đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt (Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Ngoài ra, chúng tôi thông tin cho bạn biết: Theo quy định tài khoản 1 Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định: “ Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Nếu bạn bị bạo lực gia đình thì bạn làm đơn yêu cầu cơ quan Công an nơi cư trú xử lý đối với người có hành vi này.
Thân ái chào bạn!