Kính chào Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh! Hiện nay chúng tôi có dự định sẽ thành lập dự án đầu tư tại tỉnh Tây Ninh nên xin nhờ Sở KH&ĐT hỗ trợ giải đáp những thắc mắc sau: 1. Hộ chiếu của nhà đầu tư: nhà đầu tư sử dụng hộ chiếu E Trung Quốc thì có được chấp thuận không? Nếu được thì bản sao giấy tờ pháp lý của nhà đầu tư có phải là bản sao y công chứng mặt thông tin hộ chiếu? 2. Chúng tôi dự định sẽ thành lập công ty thương mại 100% vốn nước ngoài, đối với địa điểm thành lập công ty có yêu cầu không? 3. Đối với mã ngành thương mại, phần thông tin chi tiết của ngành nghề có yêu cầu ghi rõ nội dung mã HS CODE không? 4. Đối với công ty thương mại nước ngoài có yêu cầu về số vốn tối thiếu hay không? Mong nhận được phản hồi sớm từ Sở KH&ĐT. Trân trọng cảm ơn Quý Sở!
Đối với câu hỏi của quý Ông/bà, Sở Kế hoạch và Đầu tư phúc đáp như sau:
1. Hộ chiếu của nhà đầu tư: nhà đầu tư sử dụng hộ chiếu E Trung Quốc thì có được chấp thuận không? Nếu được thì bản sao giấy tờ pháp lý của nhà đầu tư có phải là bản sao y công chứng mặt thông tin hộ chiếu?
- Theo quy định tại khoản 15 Điều 2 nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một của Luật Đầu tư quy định tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, trường hợp nhà đầu tư sử dụng hộ chiếu làm tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư thì trong hồ sơ đề nghị thực hiện thủ tục nộp bản sao trang thông tin của hộ chiếu kèm bản chính để đối chiếu.
2. Chúng tôi dự định sẽ thành lập công ty thương mại 100% vốn nước ngoài, đối với địa điểm thành lập công ty có yêu cầu không?
- Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.
(Khoản 2, Điều 4, Luật doanh nghiệp 2020)
- Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
(Điều 42, Luật doanh nghiệp 2020)
- Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người có thẩm quyền ký giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp phải cam kết: Trụ sở chính thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng hợp pháp của công ty và được sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật;
(Theo các biểu mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
3. Đối với các mã ngành thương mại, phần thông tin chi tiết của ngành, nghề có yêu cầu ghi rõ nội dung mã HS CODE không?
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
- Việc ghi chi tiết hơn ngành, nghề kinh doanh không bắt buộc phải kê khai mã HS CODE.
(Khoản 6 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)
4. Đối với công ty thương mại nước ngoài có yêu cầu về số vốn tối thiếu hay không?
- Luật Đầu tư 2020 quy định:
“Điều 9. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định:
“Điều 15. Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
1. Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố tại Phụ lục I của Nghị định này.
2. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư và được đăng tải, cập nhật theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
3. Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:
a) Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
b) Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
c) Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
d) Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
đ) Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
e) Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”
Căn cứ quy định nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
Do câu hỏi không nêu cụ thể công ty thương mại hay hoạt động trong lĩnh vực nào nên chưa có cơ sở phản hồi về yêu cầu về số vốn tối thiểu. Do đó, đối với công ty thương mại nước ngoài, đề nghị người hỏi căn cứ quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà dầu tư nước ngoài để xác định điều kiện trong từng trường hợp cụ thể.