Kính gửi: Sở Tài chính
Tôi đang công tác tại các sở, ban, ngành tỉnh cần tham vấn ý kiến Sở Tài chính một số nội dung:
Cơ quan tôi đang làm chủ đầu tư các gói thầu, với các thông tin cụ thể như sau:
I. THÔNG TIN CHUNG CỦA DỰ ÁN
1. Gói thầu 1: Tư vấn lập bộ Đơn giá dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh
- Tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt là 231.000.000 đồng.
- Nguồn vốn: Chi thường xuyên.
- Đã được UBND tỉnh cho chu trương thực hiện.
2. Gói thầu 2: Tư vấn lập chỉ số giá xây dựng công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- Tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt là 120.000.000 đồng.
- Nguồn vốn: Chi thường xuyên.
- Đã được UBND tỉnh cho chu trương thực hiện.
3. Gói thầu 3: Tư vấn lập Đơn giá nhân công trên địa bàn tỉnh
- Tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt là 110.000.000 đồng.
- Nguồn vốn: Chi thường xuyên.
- Đã được UBND tỉnh cho chu trương thực hiện.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Tại khoản 8 Điều 4 của Luật Đấu thầu có định nghĩa (Dịch vụ tư vấn): “8. Dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập thiết kế, dự toán; lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm tra, thẩm định; giám sát; quản lý dự án; thu xếp tài chính; kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ tư vấn khác”.
2. Tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có quy định: “Lập, thẩm tra định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình”.
3. Tại điểm i Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC có quy định: “Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để lập, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn khác trong mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị”.
4. Tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đấu thầu có định nghĩa (Dịch vụ phi tư vấn): “9. Dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt không thuộc quy định tại khoản 45 Điều này, nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng, vẽ bản đồ và hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 8 Điều này”.
Từ các định nghĩa nêu trên cho thấy cả 3 gói thấu như tôi đã trình bày ở phần trên thuộc gói thầu TƯ VẤN như định nghĩa tại khoản 8 Điều 4 của Luật Đấu thầu (dịch vụ tư vấn khác); điểm đ khoản 1 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP có quy định; điểm i Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC (các dịch vụ tư vấn khác).
Câu hỏi 1: Các gói thầu nêu trên có phải là gói thầu tư vấn hay không? hay nó thuộc trường hợp nào? Cho chúng tôi biết rõ cơ sở pháp lý.
5. Theo hướng dẫn của Sở Tài chính thì các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên thì phải thực hiện theo các quy định: Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Theo đó, các gói thầu có tổng như đầu tư từ 200 triệu đến dưới 500 triệu áp dung hình thức chào hàng cạnh tranh. Tuy nhiên, tại Điều 18 Thông tư số 58/2016/TT-BTC có quy định: “Điều 18. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh
1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất), có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài) và tương đương nhau về chất lượng (có khả năng thay thế lẫn nhau do có cùng đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng và các đặc tính khác).
2. Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền”.
Theo như phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh được nêu tai Điều 18 Thông tư số 58/2016/TT-BTC thì các gói thầu nêu trên không thuộc phạm vi áp dung tại Điều này (do các gói thầu này là các gói thầu dịch vụ TƯ VẤN như giải thích ở phần trên).
Hơn nữa theo nguồn tham khảo khác từ Báo điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-58-2016-TT-BTC-su-dung-von-nha-nuoc-mua-sam-duy-tri-hoat-dong-thuong-xuyen-co-quan-nha-nuoc-308392.aspx
Có trả lời như sau:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
- Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công;
- Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
- Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Đối với vấn đề của ông Biên, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, pháp luật về đấu thầu không có hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ tư vấn.
- Tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 58/2016/TT-BTC có quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu: “c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ”.
Câu hỏi 2:
Các gói thầu nêu trên cơ quan tôi thực hiện theo hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu; Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu và điểm c khoản 1 Điều 15 Thông tư số 58/2016/TT-BTC và theo Câu trả lời của Bộ Kế hoạch Đầu tư như đã trình bày có phù hợp không?
Trường hợp Sở Tài chính cho rằng các gói thầu đã hỏi ở câu hỏi 2 thực hiện theo hình thức Chào hàng cạnh tranh đối với các gói thầu dịch vụ TƯ VẤN có tổng mức đầu tư từ 200 triệu đến dưới 500 triệu sử dụng nguồn chi thường xuyên.
Câu hỏi 3:
Cho tôi hỏi cở sở pháp lý nào quy định gói thầu dịch vụ TƯ VẤN áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
- Sở Tài chính có thể kiểm chứng bằng cách truy cập trang Hệ thống đấu thầu điện tử, đứng góc độ bên mời thầu, sẽ không đăng tải được thông tin cho gói thầu Tư vấn với hình thức Chào hàng cạnh tranh.
- Nội dung này hoàn toàn phù hợp theo câu trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như đã nêu: “Pháp luật về đấu thầu không có hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu dịch vụ TƯ VẤN”.
Vậy cho chúng tôi hỏi câu trả lời nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đúng không? Nếu như các gói thầu này vẫn thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh vì làm sao sử dụng được hệ thống mạng đấu thầu để khai báo.
Để có đủ cơ sở triển khai các gói thầu nêu trên phù hợp theo quy định tôi rất mong quý cơ quan phúc đáp để tôi có đủ cơ sở thực hiện.
Trân trọng./.