Gửi: Sở NN&PTNT
cho biết về tình hình "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp" trên địa bàn tỉnh
Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:
Nông nghiệp Tây Ninh thời gian qua tuy có đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng đang ngày càng khó khăn do biến động thị trường; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia hầu hết có xu hướng bảo hộ sản xuất ; Cạnh tranh sản phẩm nhất là hạ giá thành sản xuất đang trở thành yếu tố sống còn. Giải pháp phát triển hệ thống chế biến nông sản, cơ giới hóa trong sản xuất đã và đang khẳng định khâu trọng yếu của chuỗi sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao năng suất giảm giá thành sản phẩm.
- Kết quả đạt được trong hoạt động chế biến nông sản: Đối với cây mía có 04 nhà máy chế biến đường, công suất 15.800 tấn mía cây/ngày; Cây mì có 65 nhà máy chế biến, công suất 6,4 triệu tấn củ/năm; Cao su có 23 nhà máy chế biến, công suất 4.8000 tấn nguyên liệu/năm; Cây Điều có 20 nhà máy chế biến hạt điều, công suất 20.000 tấn đều nhân/năm; Cây ăn trái có 01 nhà máy chế biến rau, củ, quả, công suất 500 tấn sản phẩm/ngày. Đều đó cho thấy chế biến nông sản của tỉnh phát triển khá toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nguyên liệu và nhu cầu thị trường; Tuy nhiên hoạt động chế biến còn một số hạn chế, đó là: sản phẩm chế biến chưa da dạng; có sản phẩm giá trị gia tăng thấp, giá thành cao; cơ chế chính sách mặc dù được ban hành nhưng chưa đáp ứng thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ, thiết bị, nhất là chế biến sâu, chế biến phụ phẩm lĩnh vực chế biến nông sản.
- Nguyên nhân là do: hoạt động chế biến nông sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố tài nguyên, lao động giá rẻ, chưa dựa nhiều vào yếu tố khoa học; hầu hết doanh nghiệp thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn. Chưa có cơ chế nhất là vốn dự trữ hàng nông sản lúc thị trường tiêu thụ khó khăn (tinh bột mì, cao su…).
- Kết quả cơ giới hóa trong nông nghiệp: cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Trong đó, cây lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất; 65 - 70% khâu chăm sóc; 80 - 90% khâu thu hoạch và vận chuyển); kế đến là cây mía ( 99% khâu làm đất; 25 - 35% khâu chăm sóc; 40% khâu thu hoạch và 99% vận chuyển); cây mì (96% khâu làm đất; 15 - 30% khâu chăm sóc; 97% khâu vận chuyển). Ngoài ra, các vườn cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hóa trên nhiều khâu chăm sóc với các loại máy: xới cỏ; tưới phun, tưới nhỏ giọt; hệ thống tưới kết hợp bón phân, thuốc BVTV; xử lý ra hoa bằng máy,…Về kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng mua máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp, lũy kế đến tháng 12 năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 61 đối tượng khách hàng (02 doanh nghiệp và 59 hộ gia đình) được hỗ trợ cho vay vốn mua 107 máy móc, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp với số tổng số tiền là 113.084 triệu đồng.
- Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh cũng còn những khó khăn nhất định như: Công nghệ, thiết bị kỹ thuật cơ giới chậm được đầu tư đổi mới. Chi phí đầu tư cao; sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún, khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho cơ giới hóa còn hạn chế; quy trình canh tác từng loại sản phẩm khác nhau, đòi hỏi chủng loại máy nông nghiệp phải phù hợp, đa dạng; hạ tầng nội đồng (giao thông, thủy lợi) chưa tương xứng thuận lợi cho cơ giới hóa.
- Nhằm mục đích thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện một số nội dung như sau: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến; Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi; nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc; dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Đặc biệt là các chính sách tỉnh ban hành thời gian gần đây sẽ tạo động lực thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư chế biến, cơ giới hóa sản xuất.
Trên đây là trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi đến ''công dân'' được biết.
Trân trọng!