A. Củ mì xắt lát phơi khô. Dùng cho:
1. Bò cái mang thai và cho con bú ăn thêm như sau: 1kg/con bò 200-250kg/ ngày/chia 3 lần
2. Bò đực 15 tháng tuổi ăn thêm như sau: 1kg /con bò 200-250kg/ ngày/chia 3 lần
Xin hỏi có phù hợp không ? Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẳn có tại địa phương (Do giá mì hiện nay rất thấp).
(Quá trình lên men yếm khí không thuận lợi cho người chăn nuôi cho việc thực hiện)
B. Củ mì thu hoạch bán tại các lò mì trên địa bàn Tây Ninh theo Quy ước nhu sau:
- Quy trình tính chữ bột hiện nay tại các lò và tỉ lệ chữ hoàn toàn phụ thuộc vào người trực tiếp tính chữ bột: không chính xác, không có cơ sở khoa học (không dựa vào một tiêu chuẩn chuẩn mực nào theo tiêu chuẩn Việt Nam)
- Tạp chất của củ mì nguyên liệu: tương tự như trên là trừ vô tội vạ khi trừ 5% dao động cho đến 30%.
- Giá nguyện liệu củ mì cao thấp do yếu tố khách quan, không loại trừ yếu tố chủ quan (có lợi cho chủ lò và thiệt cho nông dân)...
Quá trình sản xuât ra củ mì của người nông dân chúng tôi phải đầu tư giống, phân (vô cơ, hữu cơ), cày, xới, nước, nhân công, mồ hôi... Vậy mà khi thu hoạch đem bán. Qua cách tính như trên, quá thiệt cho nông dân, không khác nào bị cướp cạn. Vậy mong các Cơ quan quản lý, Đơn vị chuyên môn, lảnh đạo chỉ đạo đem lại công bằng cho người nông dân sản xuất củ mì hoặc hướng dẫn chuyển đổi cây trồng một phần phục vụ cho nhà máy Tanifood (qua tìm hiểu có một số vùng đã thực hiện) sao cho phù hợp chính sách phát triển nông nghiệp tỉnh nhà. Mong rằng được nhận phản hồi thiết thực, có chiều sâu và hiệu quả ./.
Chân thành cảm ơn !
Ngày 02/7/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nhận được câu hỏi của cá nhân có tiêu đề “Thức ăn cho bò và quyền lợi người nông dân trồng mì Tây Ninh”,
Sau khi nghiên cứu, tổng hợp ý kiến Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:
A. Câu hỏi: Củ mì xắt lát phơi khô. Dùng cho:
1. Bò cái mang thai và cho con bú ăn thêm như sau: 1kg/con bò 200-250kg/ ngày/chia 3 lần.
2. Bò đực 15 tháng tuổi ăn thêm như sau: 1kg /con bò 200-250kg/ ngày/chia 3 lần.
Trả lời như sau:
Củ mì giàu chất bột (chứa 27-36%), năng lượng, khoáng, vitamin C nhưng nghèo chất béo (0,5%) và nhất là nghèo đạm (0,5-2%), xơ thô (1%), hàm lượng các acid amin không cân đối. Củ mì tươi, đặc biệt là những loại củ chất lượng cao, rất dễ bị hư hỏng. Chúng bắt đầu hư hỏng trong vòng 2 – 3 ngày sau khi thu hoạch; do đó phải được xử lý nhanh chóng. Trong củ mì tươi chứa một hàm lượng acid cyanhydric (HCN). Đây là loại acid khá độc, khi vào cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật,... nếu nặng sẽ dẫn đến tình trạng tử vong. Tuy nhiên, HCNlà chất dễ bay hơi, dễ hòa tan trong nước, có thể bị oxy hóa thành acid cyanic không độc, kết hợp với đường cũng tạo thành chất không độc. Dựa trên những tính chất đó, ta có thể tìm biện pháp chế biến như cắt lát và phơi khô cũng làm giảm chất độc có trong mì.
Củ mì xắt lát khô có hai loại: mì lát khô có vỏ và mì lát khô không vỏ. Mì lát khô có vỏ bao gồm: vỏ thịt, thịt sắn, lõi mì và một phần vỏ gỗ. Mì lát khô không vỏ là lát mì đã bóc vỏ và được làm khô, chỉ bao gồm thịt và lõi mì.
Bước đầu tiên là rửa, nên lột vỏ mì, cắt lát bằng tay hoặc bằng máy. Cắt lát càng mỏng thì phơi càng mau khô. Tùy theo số giờ nắng trong ngày để phơi lát mì: nắng nhiều thì phơi ít ngày lại và nắng ít thì phơi dài ngày hơn, mì lát khi đạt độ ẩm 14%-15% (bẻ lát mì giòn dễ gãy và thấy khô) là tốt nhất và có thể dự trữ được lâu, mục đích của việc phơi nắng là làm cho HCN bay hơi, không còn khả năng gây ngộ độc cho vật nuôi. Sau khi phơi khô thì mì lát cần được che chắn tránh mưa tạt gió lùa dễ bị hư hỏng, dễ bị nấm mốc xâm nhập.
Về liều lượng sử dụng mì lát khô cho bò ăn thì hiện nay chưa có tài liệu kỹ thuật hướng dẫn hoặc công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào. Tuy nhiên, do mìlát giàu chất bột và năng lượng trong khi tỷ lệ đạm và xơ thô thấp nênbà con cần cân nhắc liều lượng cho bò ăn tăng lượng dần dần, có thể cho ăn thay bằng khối lượng cám chà theo tập quán bà con chăn nuôi thường áp dụng.
Để đảm bảo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho trâu bò(là loài động vật nhai lại), Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo bà con nên ủ chua củ mì, đây là biện pháp tốt nhất nhằm bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí,tạo ra nguồn thức ăn rất phù hợp cho đặc điểm tiêu hóa của thú nhai lại như trâu,bò. Nhờ hệ vi sinh vật lên men, tạo ra a xít lactic và một lượng nhất định các a xít hữu cơ khác. Qua quá trình ủ chua củ mì tươi thì hàm lượng độc tố acid cyanhydric (HCN) có trong củ mì, lá mì sẽ bị giảm đi rất nhiều. Do vậy khi cho gia súc ăn rất an toàn. Củ mì, lá mì ủ chua ăn ngon miệng và kích thích cho hệ thống tiêu hoá của trâu bò chuyển hóa thức ăn tốt hơn.
B. Câu hỏi: Củ mì thu hoạch bán tại các lò mì trên địa bàn Tây Ninh theo Quy ước nhu sau:
- Quy trình tính chữ bột hiện nay tại các lò và tỉ lệ chữ hoàn toàn phụ thuộc vào người trực tiếp tính chữ bột: không chính xác, không có cơ sở khoa học (không dựa vào một tiêu chuẩn chuẩn mực nào theo tiêu chuẩn Việt Nam).
Quá trình sản xuât ra củ mì của người nông dân chúng tôi phải đầu tư giống, phân (vô cơ, hữu cơ), cày, xới, nước, nhân công, mồ hôi... Vậy mà khi thu hoạch đem bán. Qua cách tính như trên, quá thiệt cho nông dân, không khác nào bị cướp cạn. Vậy mong các Cơ quan quản lý, Đơn vị chuyên môn, lảnh đạo chỉ đạo đem lại công bằng cho người nông dân sản xuất củ mì.
Trả lời:
Hiện tại toàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến khoai mì đang hoạt động với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn bột/ngày (có 50 công ty, doanh nghiệp và 15 cơ sở nhỏ).
Thực trạng hiện nay, các nhà máy mì trên địa bàn tỉnh chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân. Các doanh nghiệp thực hiện việc thu mua hàng nông sản không theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Song song đó, việc đo chữ bột trong củ mì tươi của các nhà máy mì được đo bằng máy móc, thiết bị chuyên dụng có hiệu chuẩn (TCVN 4988-89) định kỳ, vấn đề này thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn chưa ban hành Quy chuẫn kỹ thuật về nguyên liệu củ mì tươi đưa vào chế biến. Chính vì vậy, rất khó khăn trong việc quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này đối với các cơ quan nhà nước địa phương.
Riêng việc tính và trừ tạp chất đối với xe củ mì tươi đưa vào nhà máy không có quy định do đó các nhà máy đánh giá bằng cảm quan thông qua (việc đỗ củ mì tươi trên xe xuống bãi và xe xúc củ mì tươi đưa vào miệng chứa nguyên liệu từ đó xác định tạp chất còn lại dưới chân đóng mì).
Hiện nay, tình trạng dịch khảm lá mì còn diễn ra phức tạp có khả năng thiếu vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, giá nguyên liệu củ mì tươi vẫn không tăng mạnh, có hiện tượng bị ép giá... Vấn đề này, có thể được hiểu như sau: Hiện tại, đa số các nhà máy mì chạy cầm chừng, một số nhà máy không chạy nữa do giá bột mì xuống thấp 9.000-9.200 đồng/kg, không có lợi nhuận (phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc). Chính vì vậy, giá củ mì tươi không được đẩy lên cao mà chỉ nằm khoảng dao động từ 2.650 - 2.750 đồng. Không có hiện tượng mua ép giá củ mì tươi của bà con nông dân. Vả lại hiện nay, củ mì tươi ở camphuchia tràn nhập về ào ạt tại các nhà máy mì vì thế giá không tăng cao.
Định hướng: Trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề kiến nghị của người dân trồng mì, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra liên ngành, lấy mẫu giám sát siết chặt tình trạng thử hàm lượng tinh bột (chữ bột) trong củ mì trước khi đưa vào chế biến nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân thông qua các Chương trình giám sát dư lượng nông sản và Kế hoạch hành động kiểm tra giám sát các mặt hàng nông sản (mía đường, mì …)”.
C. Về việc chuyển đổi cây trồng:
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng được chú trọng thực hiện và đang chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, sẽ giảm diện tích những cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế thấp: lúa 1 vụ, mì nhiễm bệnh, mía, cao su canh tác tại những khu vực không phù hợp hoặc đến tuổi thanh lý... để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả (nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, dứa,...) và rau củ quả thực phẩm và căn cứ vào nhu cầu thu mua một số sản phẩm hiện nay của nhà máy Tanifood như: Xoài cát chu, Xoài Taiwan, Khóm Queen, Đu đủ, Mít thái (Lá Bàng), Mít Nghệ, Mãng cầu gai (Mãng cầu xiêm) và Thanh long.
Do vậy người Nông dân căn cứ vào thổ nhưỡng, điều kiện hạ tầng phù hợp với loại cây trồng thích hợp để đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ trong nước và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của Nhà máy Tanifood./.
Trên đây là nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và PTNT.