Kính gửi Sở Tư pháp
Tôi xin được Sở Tư pháp trả lời câu hỏi như sau: Khi một người bị lập biên bản vi phạm hành chính, họ tự khai họ tên, năm sinh, địa chỉ của mình rồi ký vào biên bản (nhưng không có tạm giữ được các loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, giấy phép lái xe,...), sau khi xác minh thì xác định người vi phạm đúng là có họ tên địa chỉ như lời khai ban đầu, tuy nhiên Sau đó họ bỏ luôn phương tiện tang vật, không đến trụ sở UBND xã để giải quyết vi phạm theo lịch hẹn hoặc giấy mời, những trường hợp như vậy:
1. Phải xử lý như thế nào? Có bắt buộc phải ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với họ hay không?
2. Nếu có ra Quyết định xử phạt thì hình thức tống đạt cho người vi phạm như thế nào và kiểm tra việc chấp hành nộp phạt như thế nào?
3. Nếu không ra Quyết định xử phạt thì hình thức xử lý vụ việc như thế nào?
Rất mong Sở Tư pháp trả lời thẳng vào vấn đề tôi thắc mắc cho tôi được rõ. Tôi xin cám ơn.
Sau khi xem xét nội dung câu hỏi của anh (chị) và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành Sở Tư pháp có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
“1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này;
b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.
2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.”
Như vậy, chỉ khi nào vụ việc rơi vào những trường hợp được nêu tại Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Những trường hợp còn lại đều phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do trong câu hỏi anh (chị) không nêu rõ vụ việc nên sở Tư pháp không thể xác định được vụ việc có rơi vào trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 65 hay không. Vì vậy, Sở Tư không thể trả lời thẳng là có buộc phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm hay không.
Nếu vụ việc không rơi vào những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc ra quyết định xử phạt, thi hành quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt, xử lý tang vật phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 67, 70, 73 và 126 Luật Xử phạt vi phạm hành chính.