Kính gửi: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Em xin hỏi câu hỏi như sau:
Trường hợp hộ gia đình cá nhân tự ý san lấp mặt bằng và khai thác khoáng sản ( khai thác khoáng sản là đất san lấp vận chuyển cho dự án làm cầu ).
Vậy cho em xin hỏi:
1. Trường hợp này hộ gia đình, cá nhân có phải xin cấp phép khai thác khoáng sản ( khai thác khoáng sản là đất san lấp ) không?
2. Hộ gia đình cá nhân khi cho ban quản lý dự án công trình cầu có phải kê khai nộp thuế Tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối vơi khai thác khoáng sản không?
3. Trường hợp hộ gia đình cá nhân tự ý chuyển mục đích sử đụng đất từ đất rừng sang đất phi Nông nghiệp đã bị xử phạt về đất đai và khai thác khoáng sản là vật liệu xây dưng thông thường nhưng không sử dụng trên diện tích đó và đã đựoc UBND huyện cho chuyển mục đích thì hộ gia đình, cá nhân có phải nộp thuế thuế Tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản không? Cơ quan thuế cóp quyền tính phạt chậm nộp và truy thu không?
Rất mong được Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh giải đáp sớm. Em xin cám ơn./.
Chào bạn!
Theo câu hỏi của bạn, Cục Thuế Tây Ninh trả lời như sau:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thuế các cấp. Hộ gia đình, cá nhân phân cấp cho Chi cục Thuế các huyện, thành phố Quản lý Thuế.
Về lĩnh vực thuế: Bạn đọc liên hệ Chi cục Thuế địa phương để được hướng dẫn từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp hộ, cá nhân thực hiện san lấp mặt bằng, cấp phép khai thác khoáng sản thì liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn.
Trân trọng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh xin trả lời như sau:
Hỏi: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý san lấp mặt bằng và khai thác khoáng sản có phải xin cấp phép khai thác khoáng sản không?.
Trả lời: Căn cứ Khoản 3, Điều 8, Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010 quy định những hành vi bị cấm như sau: “…hoạt động khoáng sản (gồm thăm dò và khai thác khoáng sản) khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Như vậy, việc tự ý khai thác đất san lấp theo phản ánh của ông/bà Lộc An khi chưa được UBND tỉnh Tây Ninh cho phép là hành vi bị cấm. Mọi hoạt động khoáng sản đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại điều 82, Luật Khoáng sản.
Hỏi: Hộ gia đình, cá nhân cho ban quản lý dự án công trình cầu có phải kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản không?.
Trả lời: Căn cứ Điểm a, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 64, Luật Khoáng sản hiện hành quy định: Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân (là Ban quản lý dự án công trình cầu) phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ban quản lý dự án công trình cầu phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật.
Hỏi: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất phi nông nghiệp đã bị xử phạt về đất đai và khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nhưng không sử dụng trên diện tích đất đó và đã được UBND huyện cho chuyển mục đích thì hộ gia đình cá nhân có phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản không?
Trả lời: Việc tự ý khai thác ngoài diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 44, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, cụ thể:
1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10 m3; b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 10 m3 đến dưới 15 m3; c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 15 m3 đến dưới 20 m3; d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 20 m3 đến dưới 30 m3; đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3; e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 40 m3 đến dưới 50 m3; g) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 50 m3 trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
4. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g, h khoản 1; điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.