Ngày 04/01/2016 tôi có đến Sở Tư Pháp tỉnh Tây Ninh làm phiếu lý lịch tư pháp để nộp bổ sung hồ sơ phỏng vấn xin Visa, sau khi nộp đầy đủ giấy tờ và lệ phí thì tôi nhận được giấy hẹn ngày 22/01/2016. Đến ngày 25/01/2016 tôi lên Sở Tư Pháp Tây Ninh lấy , ngồi đợi 20 phút thì được trả lời là chưa có. thời gian sau cách 1,2 ngày tôi liện tục gọi điện hỏi thăm nhưng vẫn câu trả lời không có, tôi có hỏi giấy tờ tôi có trục trặc gì hay không thì cũng phải báo, còn giờ thì lâu quá trời. Sau đó, đến ngày 16/02/2016, tôi gọi điện hỏi Sở Tư Pháp đến 3 lần thì mới trả lời tôi rằng: năm 2016 tôi bị án treo 12 tháng vẫn chưa xóa án, kêu tôi đ xóa án. Tôi lập tức làm gấp giấy tờ, và sáng ngày 18/02/2016 tôi làm xong Giấy chứng nhận xóa án tích và chiều ngày 18/02/2016 tôi có lên tới Sở Tư Pháp nộp bổ sung vào và hỏi cán bộ Sở Tư Pháp thì được trả lời khoảng 1, 2 ngày nữa có. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại hỏi và vẫn câu trả lời là chưa có. Tôi được biết theo khoản 1 Điều 48 Luật Lý Lịch Tư Pháp thì thời hạn cấp phiếu Lý Lịch Tư Pháp không quá 20 ngày. Tôi rất lo lắng còn mấy ngày nữa là 29/02/2016 là hạn chót tôi bổ sung hồ sơ cấp Visa rồi, nếu không có tôi sợ hồ sơ của tôi bị hủy, phải làm lại từ đàu và chờ đến hơn 6 tháng sau mới được phỏng vấn lại, như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi quá. Tôi muốn hỏi tại sao công tác Lý Lịch tư pháp lại luôn chậm trễ như vậy?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp ngày 17/06/2009 quy định về Thời gian cấp phiếu LLTP như sau:
“Điều 48. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp
1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Lý lịch tư pháp, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Lý lịch tư pháp thì thời hạn không quá 15 ngày”.
Tất cả thời gian được quy định nêu trên đều được tính theo ngày làm việc. Tuy nhiên, do hiện nay quá trình tra cứu, xác minh hồ sơ Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chưa thể hoàn toàn chủ động tra cứu trong sở dữ liệu hiện có, gần như toàn bộ quá trình tra cứu, xác minh hồ sơ vẫn phải phụ thuộc vào Phòng Hồ sơ công an tỉnh và Cục Hồ sơ nghiệp vụ (C53) .
Đối với trường hợp của anh (chị) trong câu hỏi không nêu rõ tên, địa chỉ… Tuy nhiên, căn cứ vào các dữ liệu đã được cung cấp như: ngày nộp hồ sơ, ngày hẹn trả, tình trạng án tích…Sở Tư pháp có thể xác định hồ sơ mà anh (chị) hỏi là hồ sơ có số giấy hẹn 06. Sau khi xem xét lại quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, Sở Tư pháp nhận thấy phần khai về tình trạng án tích trong tờ khai cấp phiếu LLTP của anh (chị) để trống (không khai báo theo quy định đã được hướng dẫn) nhưng quá trình gửi hồ sơ tra cứu tại Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) – Bộ Công kết quả xác minh lại có án tích. Do có sự không trùng khớp giữa nội dung đượng sự khai và kết quả xác minh nên cơ quan xác minh phải xem xét, đối chiếu mất nhiều thời gian. Ngoài ra, do kết quả trả lời của cơ quan xác minh có sự sai lệch về thông tin năm sinh nên Sở Tư pháp phải đề nghị điều chỉnh lại.
Như vậy, trường hợp của anh chị trong quá trình xác minh phải gửi đi nhiều lần…. (do Sở Tư pháp thực hiện), phải chờ thời gian làm hồ sơ xin xóa án tích (do đương sự thực hiện) và một phần do lỗi của anh chị đã không khai đầy đủ, trung thực ngay từ đầu nên dẫn đến thời gian kéo dài hơn so với quy định.
Riêng ý kiến phản ánh của anh chị “Tại sao công tác Lý lịch tư pháp lại luôn chậm trễ” là không đúng với thực tế vì Sở Tư pháp khẳng định từ ngày 27/07/2015 khi Sở Tư pháp Tây Ninh chính thức áp dụng theo giải pháp “Kiềng Ba Chân” được ký giữa Sở Tư pháp Tây Ninh – Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia – Cục Hồ sơ nghiệp vụ công an (C53) thì hầu hết các hồ sơ xin cấp phiếu LLTP tại Sở Tư pháp Tây Ninh đều trả kết quả đúng và sớm hơn so với quy định (trừ những trường hợp đặc biệt như: đương sự có án tích, bị cơ quan công an lập hồ sơ danh chỉ bản,trường hợp cần phải xác minh lại tình trạng án tích hoặc trong quá trình xác minh có yêu cầu bổ sung hồ sơ…).