Xin hỏi quy trình xử phạt khi trễ thời gian đăng ký biến động? Hướng dẫn thủ tục để được cấp giấy theo trường hợp tại giấy hẹn và thông báo bổ sung hồ sơ (tệp đính kèm). Cám ơn
Sở Tài nguyên và Môi trường có nhận được Thư Điện tự của ông Trần Quốc Dũng, địa chỉ: khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh, với nội dung: “Xin hỏi quy trình xử phạt khi trễ thời gian đăng ký biến động? Hướng dẫn thủ tục để được cấp giấy theo trường hợp tại giấy hẹn và thông báo bổ sung hồ sơ (tệp đính kèm). Cám ơn”
Sau khi xem xét, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Căn cứ khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
“6. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.”
Căn cứ Điều 17 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về không đăng ký đất đai
“1. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
2. Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.”
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.”
Từ cơ sở trên, thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị ông, bà liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để được hướng dẫn thực hiện.
Trân trọng!