Chào bạn!
Theo như nội dung câu hỏi của bạn, Sở Tư pháp trả lời như sau:
1. Về thừa kế
Theo quy định tại Điều 609 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật” và Điều 612 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì “di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”
Như vậy, theo như bạn trình bày thì phần đất hiện nay là con của bạn đang đứng tên thì đây là tài sản của bé, không phải tài sản của bạn và bạn chỉ là người đại diện theo pháp luật cho bé do con của bạn chưa đủ tuổi thành niên, bạn không phải là người có quyền sử dụng, sở hữu tài sản nêu trên. Do đó, việc bạn chết trước hay sau ông nội của bé không liên quan đến việc chia tài sản của bé.
2. Về ủy quyền
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 73 của Luật hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ là người đại điện theo pháp luật của con chưa thành niên.
Bên cạnh đó, tại Điều 25 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền nhân thân như sau:
“1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.”
Đối với trường hợp của bạn, bạn đang là người đại điện theo pháp luật của con bạn theo quy định khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 73 của Luật hôn nhân và gia đình; đây là quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (quyền của cha, mẹ) theo quy định tại Điều 39 của Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền này không thể chuyển giao cho người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu ở trên. Do đó, bạn không thể ủy quyền thêm 1 người thay thế bạn làm người đại diện pháp luật cho con của bạn được.
Thân ái chào bạn!