Như tiêu đề, tại sao nơi thì chấp nhận cho xe cũ nâng cấp đèn công nghệ mới Led Bi cầu, Bi laser để đi, nơi thì từ chối ? Cùng 1 xe mà nơi cho đăng kiểm, nơi thì từ chôi đăng kiểm ? Chỉ tiêu chất lượng đăng kiểm luôn lạc hậu thì người dân cả nước đều biết rồi, công nghệ luôn đi trước trình độ đăng kiểm10, 20 năm . Nhưng tại sao cách làm việc lại không đồng nhất của các trung tâm lại xảy ra ?
Sở GTVT nhận được câu hỏi của ông(bà), Sở đã đề nghị Công ty Cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh trả lời câu hỏi của người dân, Công ty Đăng kiểm Tây Ninh trả lời như sau:
Trước hết Công ty Cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã gửi cho chúng tôi câu hỏi thắc mắc về vấn đề có liên quan đến công tác kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới. Về vấn đề thắc mắc của khách hàng chúng tôi có ý kiến như sau:
Thực tế khi sản xuất xe, các nhà sản xuất đã nghiên cứu, thử nghiệm, xem xét kỹ lưỡng các tính năng cũng như số lượng đèn được gắn trên xe để phù hợp với việc chiếu sáng. Thế nhưng thực tế hiện nay, người sử dụng thường thích độ đèn ôtô với mục đích tăng độ sáng cho đèn xe lên gấp 4, 5 lần so với nguyên bản. Các phương án độ tăng sáng được sử dụng nhiều nhất là độ đèn pha hoặc đèn gầm giúp hỗ trợ lái xe và tăng tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, đèn sau khi độ có thể gây khó chịu (chói, lóa mắt) cho người điều khiển phương tiện đối diện, ảnh hưởng đến quá trình lái xe, dễ dẫn đến tai nạn, va chạm nguy hiểm.
Theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Việc kiểm tra đánh giá hệ thống đèn trên ô tô phải tuân thủ đồng thời cả 2 tiêu chí đánh giá dưới đây:
-Thứ nhất là tình trạng và sự hoạt động của đèn: bao gồm sự đầy đủ; đúng kiểu loại của nhà sản xuất; sự lắp đặt; màu sắc ánh sáng; chất lượng đèn.
-Thứ hai là chỉ tiêu về ánh sáng: bao gồm hình dạng chùm sáng; cường độ; góc chiếu.
Việc người sử dụng thay đèn (công nghệ đèn) từ halogen bằng đèn Bi-xenon hay Bi-led nhằm tăng sáng cho xe nhưng không đúng kiểu loại thiết kế ban đầu của nhà sản xuất (loại đèn gồm: sợi đốt; halogen; xenon; led; Bi-xenon; Bi-led; lazer) sẽ không thỏa mãn ở tiêu chí thứ 1 nêu trên. (nếu không đầy đủ, không đúng kiểu loại, vỡ sẽ thuộc khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng MaD và không được cấp giấy chứng nhận kiểm định).
Đồng thời, Khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nghiêm cấm lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Theo đó, việc lắp đặt, sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất với từng loại xe cơ giới là hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, việc tự ý lắp độ đèn trợ sáng cho xe là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.