Chào bạn!
Theo như nội dung câu hỏi của bạn, Sở Tư pháp trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Bộ luật Dân sự thì việc cử giám hộ cho cha, mẹ được thực hiện trong “trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ”.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Dân sự thì “(2). Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. (3). Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Hộ tịch “Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch”
Như vậy, Bộ luật Dân sự và Luật Hộ tịch không quy định việc cử người giám hộ thì phải làm giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, mà phải làm một văn bản cử giám hộ và nội dung văn bản cử giám hộ phải ghi rõ các nội dung: “lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ và văn bản cử người giám hộ phải thể hiện được ý kiến đồng ý làm giám hộ của người được cử làm giám hộ”.
Mặt khác, văn bản cử giám hộ cũng không yêu cầu chứng thực chữ ký của những người tham gia thỏa thuận cử người giám hộ trong văn bản cử giám hộ, trừ trường hợp dược quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.
Thân ái chào bạn!